logo

Bảo tàng hà nội

Ha Noi Museum
  • Trang chủ
  • >
  • Chân đèn gốm
  • >
  • Thông tin mở rộng

Chân đèn gốm

Đặng Huyền Thông - một tượng nhân gốm thời Mạc mà tên tuổi còn được lưu danh trên nhiều tác phẩm gốm men lam xám. Nhiều tác phẩm của ông còn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Hải Dương, bảo tàng Nam Định, bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế,…Tại bảo tàng Hà Nội hiện đang lưu giữ chân đèn gốm men lam xám do ông tạo tác có niên đại niên hiệu Diên Thành 5 (1582).

Chân đèn gốm có chiều cao 74,5cm còn tương đối nguyên vẹn, sử dụng loại men riêng biệt của dòng gốm Đặng Huyền Thông, đó là men lam xám, một loại men dày và trong, như nối tiếp loại men ngọc thời Lý - Trần.

Chân đèn gồm hai phần riêng biệt rời lắp khớp lại. Phần trên hình trụ tròn hơi choãi đầu phía dưới, miệng loe, hoa văn in dán nổi đề tài rồng trong ô tròn, mặt rồng, cánh hoa sen và lá đề cách điệu. Phần dưới giống như chiếc mai bình. Cổ nhỏ lắp khớp với phần trên, vai và thân trên phình, thân dưới eo, đế choãi.

Đây là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ và tiêu biểu cho phong cách gốm Đặng Huyền Thông. Chân đèn trang trí nhiều đề tài: rồng yên ngựa, rồng trong hình tròn, lá đề, cánh sen đứng, hoa văn vạch đứng song song, răng cưa, hoa văn cánh sen tam giác đều,…với nhiều bố cục khác nhau.

Phần dưới chân đèn có minh văn được tác giả thể hiện bằng kỹ thuật đắp nổi và khắc chìm dưới men, sau đó phủ men gồm 28 dòng chữ Hán, xung quanh hình rồng yên ngựa. Ngang vai chân đèn đắp nổi dòng chữ Hán: “Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình”. Khoang ngực đắp nổi rồng, trước đầu rồng đúc nổi chữ “Thanh Lan tự” trong ô tròn. Chân đèn đại diện cho loại hình đồ gốm thờ thời Mạc có minh văn.

Nội dung minh văn cho biết họ tên đầy đủ của ông là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông là Sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Minh văn có dòng ghi niên đại chế tác: Diên Thành ngũ niên (1582 - đời vua Mạc Mậu Hợp). Minh văn còn cho biết họ tên quê quán của những người đặt hàng là các tầng lớp trong xã hội từ quý tộc đến bình dân và ngôi chùa được cung tiến.

Nội dung minh văn chữ Hán.

									1 皇帝萬歲天下太平眾生同受福長延考 2 青林縣 3 來溪社 4青閩寺 5 湄川村五人 6阮克諧笵氏惟 7裴氏奪阮氏從
									8 鄧氏堂 9 文笵社七人 10黃克遵 黃克勉 11 笵道共 笵 质
									12 笵克詢 鄧文乾 13 笵氏決 14 笵老梅 15 同春山 梁恂 17 裴壽溪 19 笵西川 19 笵德齊 20笵壽域 21 阮頂 梁壽
									22 笵仁壽 23 笵山社 24 會主比丘 25 阮德隆字慧信
									26 延成五年 27 青林縣 雄勝社 28 鄧玄通造
								

Phiên âm: Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng tht, phúc trường diễn khảo. Thanh Lâm huyện, Lai Khê xã, Thanh Lan tự, My Xuyên thôn ngũ nhân: Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị Duy, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường, Văn Phạm xã thất nhân: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết, Phạm lão Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ, Phạm Sơn Xã, Hộ chủ tỷ khâu tăng Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín, Diên Thành ngũ niên, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông tạo.

Dịch nghĩa: Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh đều được nhận phúc thọ dài lâu. Thôn My Xuyên, chùa Thanh Lan, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm 5 người (cung tiến): Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường. Xã Văn Phạm 7 người: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết. Các cụ già họ Phạm ở Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ. Xã Đức Sơn: Hộ chủ là nhà sư Tỳ Khưu Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín.

Tạo hình gốm của Đặng Huyền Thông mang nét riêng độc đáo. Sự cân đối hài hòa giữa tạo dáng và hoa văn đã tạo nên sản phẩm gốm độc đáo so với các loại hình đương thời. Các tác phẩm của ông chủ yếu sử dụng men lam xám, môt loại men dày và trong như loại ngọc. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm ông sử dụng kết hợp men nâu vàng hoặc nâu đen tạo màu men đa dạng trên sản phẩm gốm của mình.

Các tác phẩm của ông được đặt cho các ngôi chùa Phật giáo, quán Đạo giáo ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua nhiều tác phẩm gốm có thể thấy, thời gian làm gốm của ông tập trung trong khoảng 10 năm từ 1580 đến 1590.

Tìm hiểu sưu tập gốm của Đặng Huyền Thông sẽ đóng góp vào lịch sử nghề gốm Việt Nam. Thông qua các tác phẩm của ông, ta khâm phục tài hoa sáng tạo và ông là người tiêu biểu, một chân dung tượng nhân đặc biệt thời Mạc, thế kỷ 16.