logo

Bảo tàng hà nội

Ha Noi Museum
  • Trang chủ
  • >
  • Trống đồng Cổ Loa
  • >
  • Thông tin mở rộng

Trống đồng Cổ Loa

Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Cổ Loa là dấu tích vật chất còn lại duy nhất khẳng định vùng đất Hà Nội lần đầu tiên được lựa chọn là kinh thành của đất nước ta trong lịch sử. Dấu tích vật chất tiêu biểu ở Cổ Loa: đền An Dương Vương, am Mỵ Châu, giếng ngọc,...Nằm sâu trong lòng đất Cổ Loa là các di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện nhiều di vật: Cầu Vực với hàng vạn mũi tên đồng nặng tới 93kg, Mả Tre phát hiện gần 200 đồ đồng các loại gồm: trống đồng, các loại công cụ, vũ khí, gần 100 lưỡi cày, khu lò luyện đúc đồng ở sát cạnh vòng thành còn có các khu vực như xóm Nhồi, xóm Thượng,..Xóm Hương đã nhiều lần phát hiện được mũi tên, giáo, dao găm, rìu xéo, lưỡi cày, lưỡi câu, mảnh thạp, mảnh trống,...Với khối lượng hiện vật phong phú và đa dạng, phản ánh quá trình phát triển liên tục từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến thời đại đồ sắt qua bốn nền văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn (đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn) hình thành nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.

Có thể thấy Hà Nội là một trong những vùng đất phát hiện được nhiều di tích và di vật văn hóa Đông Sơn. Tiêu biểu trên đất Cổ Loa, hầu hết các huyện ngoại thành đều có phát hiện nhiều di tích quan trọng như: Đình Tràng, Đường Mây, Trung Màu, Chùa Thông. Qua các hiện vật thu lượm được có thể thấy nền kinh tế có bước phát triển quan trọng. Nông nghiệp dùng lưỡi cày đồng và sức kéo động vật đã thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển. Nghề luyện kim đạt nhiều tiến bộ về kỹ thuật cho phép đúc được những hiện vật lớn nặng hàng trăm cân, trang trí tinh tế, phức tạp như trống đồng và chính đỉnh cao của kỹ thuật luyện kim đồng đã sáng tạo ra kỹ thuật luyện kim sắt.

Bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn ở Cổ Loa hiện lưu giữ ở Bảo tàng Hà Nội, trong đó trống Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là nhóm hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn rất có giá trị.

Trống đồng Cổ Loa

Trống đồng Cổ Loa được chôn ngửa ở một thửa ruộng thuộc khu vực Mả Tre, nằm giữa thành Trung và thành Nội thuộc thành Cổ Loa. Nhóm hiện vật được tìm thấy rất phong phú gồm: trống đồng, dao găm, mũi tên, rìu đồng, cuốc đồng, thố, lưỡi cày.
Trống nằm trong tầng sinh thổ sét vàng pha cát, sâu khoảng 25cm đến 30cm so với mặt ruộng. Trống có kích thước lớn: đường kính mặt 73,8cm, chiều cao 53cm, thuộc loại những trống Đông Sơn đẹp nhất, tương đương với trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Trống thuộc loại I theo cách phân loại của Hêgơ, gồm 3 phần: tang phình, thân hình trụ, chân choãi. Mặt trống không chờm khỏi tang trống. Trống có hai đôi quai kép đối xứng nhau qua trục tâm trống.

* Hoa văn trang trí

- Mặt trống: Chính giữa là ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh là họa tiết lông công. Lấy ngôi sao làm trung tâm, từ trong ra ngoài có 15 vành hoa văn. Các vành 1,5,9 và 14 là những chấm dải. Các vành 2,4,7,11 và 12 là hoa vòng tròn tiếp tuyến chấm giữa. Vành 10 và 13 là những vạch ngắn song song. Vành 3 là những hình chữ S. Vành 15 để trơn không trang trí. Vành 6 và 8 là vành trang trí chủ đạo có hình người, vật và động vật diễu hành xung quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trang trí ở vành 6 chia thành hai nửa giống nhau tương tự như các trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, mỗi nửa gồm 1 nhóm 6 người hóa trang, một dàn 4 trống và 4 người đánh trống, một mái nhà cong hình thuyền có chim đậu trên nóc, trong nhà có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau. Một đầu nhà có hình một chiếc trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có một người ngồi co gối đánh trống. Trống đồng treo trên giá, cạnh đó một cặp nam nữ đứng giã gạo chày tay, một nhà cầu mùa mái tròn có người đứng bên trong, bên ngoài là hình một người đứng giơ tay, mặt hướng về phía nhà cầu mùa. Hai nhà mái cong trên nóc có một chim, trong nhà có hai người tóc xõa quay mặt vào nhau, hai tay nắm lấy nhau ngồi trên sàn, còn người thứ ba ngồi trước trống ở góc bên trái dưới sàn. Hình này ở trống Cổ Loa rất giống trống Hoàng Hạ. Hai nửa mặt trống có hai đôi trai gái giã cối tương tự trống Ngọc Lũ. Tiếp đến là một người mặc váy, tóc xõa đứng trước nhà mái hình vòng cung. Hai nhà mái hình vòng cung giống nhau, trong mỗi nhà có một người đứng tay cầm một vật không rõ hình dạng, hai bên là hai dải vòng tròn chấm giữa. Vành 8 gồm 16 con chim mỏ dài, đuôi dày, có mào, có chân, bay ngược chiều kim đồng hồ tương tự như hình chim bay trên mặt các trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. - Tang trống cũng trang trí hoa văn hình học như mặt trống gốm: vạch ngắn song song, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, băng chấm nổi. Vành hoa văn chủ đạo trên tang trống là hình 6 chiếc thuyền, một mái chèo, bơi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trên mỗi thuyền có 3 người hóa trang đứng ở mũi thuyền, giữa thuyền và đuôi thuyền cũng có những người này đều cầm giáo ở tay. Giữa đuôi thuyền trước và mũi thuyền sau có hình một con chim mỏ dài, chân cao, mỏ đang ngậm mồi. Riêng nơi giáp hai mang khuôn thì giữa hai thuyền là hình hai con chim. Tất cả có 8 con chim đều quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

- Thân trống: Gần mặt trống có 6 băng văn hình học. Các băng 1 và 6 là văn chấm dải, các băng 2 và 5 là văn răng lược. Băng 3 và 4 là vòng tròn tiếp tuyến. Phía dưới là băng trang trí chủ đạo có hình sáu chiếc thuyền, xen kẽ các hình thuyền có một chim đứng mỏ dài đuôi dài, chân cao. Trong số 6 thuyền, chỉ còn một thuyền nhận được những người theo thứ tự như sau: 1 người đứng cầm lái, 3 người đứng cầm giáo, mũi giáo chúc xuống, 1 người cầm trống và người cuối cùng ngồi ở mũi thuyền cầm rìu giống như người cầm rìu ở mũi thuyền trống Miếu Môn. Vành 8 là văn vòng tròn tiếp tuyến.

- Lưng trống có những băng hoa văn hình học bố trí theo chiều thẳng đứng chia thành 6 ô hình chữ nhật. Bố cục của băng hoa văn này như sau: cột 1 và 6 là những chấm dải, cột 2 và 5 là vạch chéo song song, cột 3 và 4 là vòng tròn tiếp tuyến. Trong mỗi ô hình chữ nhật có hình một người mặc váy, đội mũ lông chim cao, tay sau xòe ra múa, tay trước cầm mũi giáo chúc xuống, cán giáo hình bầu dục.

- Chân trống để trơn. Mặt trong của trống, cách mép chân trống 6cm có một hàng chữ Hán khắc chìm. Dòng chữ Hán khắc trên rìa phía trong của chân trống: "Trọng Bách Tập Cân. Đệ Nhị Tây Vu. Dung Bát Thập Nhị" (Dịch: Trọng lượng 140 cân. Trống thứ hai của Tây Vu. Thể tích 82 đấu).
Giữa tang và thân trống có 4 đôi quai kép trang trí văn thừng bện. Trống có 9 hàng con kê ở mặt và thân trống.

* Kỹ thuật đúc trống

Trên mặt trống có 20 dấu vết hòn kê, tang trống có 37 vết, ở lưng trống có 32 và ở phần thân là 10. Như vậy, trống đặt ngửa khi rót đồng, vì trọng lực của khuôn trong tỳ lên khuôn ngoài, dồn vào phần tang và mặt. Trống có âm lớn và thanh, cho thấy việc bố trí hòn kê khá hợp lý.
Trên tang trống có 2 lỗ tròn, đường kính mỗi lỗ 0,5cm, nằm gần quai trống, đó là lỗ thông hơi. Có lẽ lỗ thông hơi nhiều hơn thế nhưng dấu vết của nó được hàn kỹ nên không phát hiện hết. Quan sát các hoa văn trên trống thấy rõ nét chứng tỏ áp lực của đồng khi rót vào đã đẩy được hết không khí trong khuôn thoát nhanh và thoát hết ra khỏi các lỗ thông hơi.
Hai đường chỉ đức chạy dọc thân rất nhỏ và đều chứng tỏ khuôn được mài rất phẳng ở mặt ghép khuôn. Như vậy, trống được đúc bằng 3 mang: măng mặt và hai mang thân rất khít.
Từ góc độ phân tích thành phần hợp kim, các dấu vết đúc đồng còn để lại trên trống Cổ Loa cho đến phương pháp nghiên cứu cách đúc đồng truyền thống của một số địa phương có thể dựng lại quy trình đúc trống gồm các bước: khâu làm khuôn, khâu đóng con kê, khâu pha chế hợp kim, khâu nấu chảy đồng nguyên liệu, khâu rỡ khuôn và làm nguội.

Trống đồng được sản xuất không chỉ là nhạc cụ dùng trong các hội hè, nghi lễ trang nghiêm mà còn là biểu tượng của nền văn minh phát triển rực rỡ nhất trong buổi đầu dựng nước của dân tộc- nền văn minh Đông Sơn.