logo

Bảo tàng hà nội

Ha Noi Museum
  • Trang chủ
  • >
  • Long đình gốm Bát Tràng
  • >
  • Thông tin mở rộng

Long đình gốm Bát Tràng

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống với bề dày hàng ngàn năm lịch sử trong đó có làng gốm Bát Tràng.

Là một làng cổ ven đô thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội có truyền thống sản xuất đồ gốm từ thời Lý - Trần cho đến ngày nay. Từ thế kỷ XV, gốm Bát Tràng được thương gia Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp rất ưa chuộng. Sản phẩm gốm Bát Tràng độc đáo chủ yếu là đồ gia dụng, đồ thờ và đồ gốm trang trí kiến trúc được sản xuất theo quy mô gia đình. Quy trình sản xuất một thành phẩm gốm bao gồm các khâu chính là chọn đất, xử lý và pha chế, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung lò. Có 5 dòng men: xưa là men lam, dần dần có men nâu, trắng ngà, xanh rêu và men rạn. Người thợ gốm còn kết hợp ba màu men trên nền men rạn để tạo ra loại gồm men tam thái. Với kinh nghiệm truyền đời “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”, trước đây có nhiều loại lò đốt bằng củi, về sau dần được thay thế bằng các lò đốt bằng than, bằng ga và lò điện. Gốm được nung trong lò ở nhiệt độ 1.200oC.

Hiện nay, người thợ gốm Bát Tràng thực hiện cải tiến nhiều về kỹ thuật, sản phẩm đa dạng, phong phú.

Long đình gốm lưu giữ tại bảo tàng Hà Nội là một trong những loại hình sản phẩm gốm thờ độc đáo của làng gốm Bát Tràng, có ý nghĩa trong đời sống tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân thế kỷ XVI – XVII.

Long đình cho ta thấy việc trang trí hoa văn thể hiện sự kết hợp về các kỹ thuật vẽ bằng men lam, đắp chạm nổi, dán ghép với khắc chìm. Long đình là một trong những hiện vật quý, độc đáo, kỹ thuật sản xuất, tạo men đạt trình độ cao, mà ngày nay các nghệ nhân Bát Tràng muốn phục chế lại cũng rất khó thực hiện.

Đề tài trang trí trên long đình là những mẫu hoa văn đặc trưng của gốm Bát Tràng thế kỷ XVII. Long đình trang trí nổi gồm các băng cánh sen đầu vuông, hoa sen, hoa cúc hình ô van, hình rồng với các bố cục: rồng nổi, đuôi vút lên trên, hai chân trước chống, đầu uốn lên trong ô hình chữ nhật, tương tự hình rồng trên các chân đèn, lư hương có minh văn thế kỷ XVII. Có thể thấy những mẫu hoa văn này trên lư hương chùa Sùng Báo tạo tác vào ngày 3 tháng 2 năm Giáp Tuất (1634) hiện lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hay lư hương tạo tác năm Ất Hợi (1635) hiện lưu giữ tại bảo tàng British, Lon don. Những hình nghê quỳ, hình rồng mây nổi để mộc cũng giống như trang trí trên chân đèn đế nghê của chùa Thánh n tạo tác vào ngày lành tháng 12 năm Đinh Sửu (1637) hiện lưu giữ tại bảo tàng Guimet, Paris. Căn cứ vào trang trí của long đình không chỉ cho ta thấy rõ niên đại tạo tác mà còn khẳng định đây là một tác phẩm gốm độc nhất vô nhị của dòng gốm cổ Bát Tràng.

Trong sưu tập đồ gốm Bát Tràng thế kỷ XIV – XIX, có một nhóm cùng mang sắc thái men chung, trong đó sắc xanh rêu được dùng khá nổi trội cùng với men trắng ngà và nâu. Men xanh rêu, men ngà và men nâu tạo nên men “Tam Thái” riêng của Bát Tràng thế kỷ XVI – XVII.

Long đình là hiện vật có giá trị tiêu biểu cho thế kỷ mà nó xuất hiện, góp phần nghiên cứu lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam.