logo

Bảo tàng hà nội

Ha Noi Museum
  • Trang chủ
  • >
  • Chuông Thanh Mai
  • >
  • Thông tin mở rộng

Chuông Thanh Mai

Chuông Thanh Mai có hình trụ, miệng thẳng liền với thân. Thân chuông được chia làm 4 khoang lớn, phân cách nhau bởi 3 đường gờ nổi. Mỗi khoang cắt hai ô. Ô trên là hình thang cân, ô dưới là hình chữ nhật. Trong lòng các ô có khắc chữ Hán. Chuông có hai núm hình tròn lồng trong nền cánh sen, đúc nổi trên thân chuông- nơi dùng để gõ chuông.

Đỉnh chuông có trang trí hoa văn vòng tròn chấm giữa và cánh sen kép và băng nhũ đinh. Quai hai đầu rồng đấu nhau thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và đúc đồng thời bấy giờ.

Trên chuông có khắc bài minh văn trong 8 ô với gần 1530 chữ Hán, là nguồn sử liệu chân thực, có ý nghĩa đặc biệt cho việc nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ VIII. Ngoài ra, minh văn còn cho biết nhiều địa danh hành chính, một số chức danh quan lại và thông tin về đơn vị đo lường của người Việt thời bấy giờ. Dòng lạc khoản khắc trên chuông cho biết quả chuông được đúc vào ngày 20 tháng 3 (âm lịch) năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên 14 (năm 798).

Chuông Thanh Mai là cổ vật độc bản. Chuông được công nhận là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006 với danh hiệu: Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố.

Nội dung bài kệ để đọc khi thỉnh chuông

Nguyên văn:

										回 心 孕 福
										共 造 盟 鍾
										天 遠 應 驗
										地 狱 聞 聲
										三 途 具 苦
										八 難 消 傾
										今 身 假 有
										傳 名 萬 世
										占 臨 佛 法
										音 嚮 出 空
										走 功 一 禱
										不 滅 無 生
									

Phiên âm:

										Hồi tâm dựng phúc
										Cộng tạo minh chung
										Thiên viễn ứng nghiệm
										Địa ngục văn thanh
										Tam đồ cụ khổ
										Bát nạn tiêu khuynh
										Kim thân giả hữu
										Truyền danh vạn thế
										Chiêm lâm Phật pháp
										m hưởng xuất không
										Tẩu công nhất đảo
										Bất diệt vô sinh
										Dịch thơ:
										Quay về dựng phúc
										Cùng đúc chuông đồng
										Chín trời vọng tiếng
										Địa ngục dung thôn
										Ba đường dứt khổ
										Tán nạn tiêu vong
										Thân này giả tạm
										Kiếp kiếp danh truyền
										Rước về phép Phật
										Chuông dội sân Không
										Chút tình gửi gắm,
										Sinh diệt ngoài vòng
									

Đại ý bài kệ: Chiếc chuông này được nhiều người công đức nên. Danh sách những người công đức có ghi trên thân chuông. Những người này đều là đệ tử của nhà Phật, có chung tâm đức tạo nên chiếc chuông này, họ mong muốn rằng: khi tiếng chuông vang lên thì được trời, đất, thần, phật chứng giám cho chúng sinh và tiêu trừ khổ nạn. Phật pháp được lưu danh muôn thuở.

Nội dung minh văn có nhắc đến nhiều địa danh hành chính và các chức danh quan lại đương thời. Lần đầu tiên thấy xuất hiện đơn vị đo lường khối lượng của người Việt “90 cân Nam”. Điều này chứng minh cho việc chuông được đúc trên đất Việt và được lưu truyền, sử dụng trên đất Việt. Đây là nguồn sử liệu chân thực, có ý nghĩa quan trọng với việc nghiên cứu, tìm hiểu xã hội người Việt thời Bắc thuộc.

Chuông có hình dáng và minh văn độc đáo, không giống với bất cứ chuông nào trong hệ thống chuông chùa Việt Nam, góp phần nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo Việt Nam thế kỷ VIII. Họa tiết trang trí trên thân chuông thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và đúc đồng thới bấy giờ. Chuông Thanh Mai là độc bản, có niên đại sớm nhất cho đến nay được phát hiện ở Việt Nam.